Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Về căn cứ pháp lý

  • Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 
  • Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Căn cứ theo Điều 175 Bộ luật hình sự 2015

2. Về hành vi 

  • Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Luôn phải có hành vi gian dối, hành vi này phải thực hiện trước thời điểm chuyển giao tài sản.
  • Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Có thể có hoặc không có hành vi gian dối . Nếu như có hành vi gian dối thì hành vi này luôn phải thực hiện sau thời điểm chuyển giao tài sản.

3. Ý thức chiếm đoạt tài sản

  • Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Phải có trước thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn gian dối bao giờ cũng phải có trước khi tiến hành giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội.
  • Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Xuất hiện sau khi có giao dịch hợp pháp, tức là sau khi có được tài sản người phạm tội mới nảy sinh ý định và hành vi chiếm đoạt.

4. Hình thức phạm tội

  • Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản như đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội
  • Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

​5. Giá trị tài sản

  • Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Tài sản chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng - dưới 50.000.000 đồng; Hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc các trường hợp luật định tại khoản 1, Điều 174 BLHS 2015.
  • Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Tài sản chiếm đoạt từ 4.000.000 đồng - dưới 50.000.000 đồng; Hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng thuộc các trường hợp luật định tại khoản 1, Điều 175 BLHS 2015.

6. Thủ đoạn thực hiện tội phạm

  • Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Đưa ra thông tin giả, sai sự thật làm cho nạn nhân tin đó là sự thật để chiếm đoạt tài sản.
  • Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Sau khi đã nhận tài sản một cách hợp pháp rồi bỏ trốn với ý thức không thanh toán, không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản hoặc dùng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp.

7. Mức hình phạt

  • Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
    • Phạt tù từ 02 - 07 năm đối với trường hợp chiếm đoạt tài sản từ 50.000.000 đồng - dưới 200.000.000 đồng;
    • Phạt tù từ 07 - 15 năm khi chiếm đoạt tài sản từ 200.000.000 đồng - dưới 500.000.000 đồng;
    • Phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân khi chiếm đoạt tài sản từ  500.000.000 đồng trở lên.
  • Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:
    • Phạt tù từ 02 - 07 năm đối với trường hợp chiếm đoạt tài sản từ 50.000.000 đồng - dưới 200.000.000 đồng; 
    • Phạt tù từ 05 - 12 năm khi chiếm đoạt tài sản từ 200.000.000 đồng - dưới 500.000.000 đồng;
    • Phạt tù từ 12 - 20 năm khi chiếm đoạt tài sản từ  500.000.000 đồng trở lên.

-> Nếu bạn có nhu cầu tư vấn, giải đáp thắc mắc pháp luật, bạn vui lòng gọi 19001017  để đặt câu hỏi và trao đổi trực tiếp với luật sư, luật gia của chúng tôi.

-> Hãy nhấc điện thoại và gọi đến tổng đài tư vấn của chúng tôi để được giải đáp mọi vướng mắc về các vấn đề liên quan cho bạn.