Khi nào tố cáo sai sự thật bị quy tội Vu khống?
Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức” (Khoản 1, Điều 2 Luật tố cáo 2018). Tuy nhiên bên cạnh việc tố cáo những hành vi thực tế gây thiệt hại đến quyền lợi ích của công dân, thì đối với việc tố cáo sai sự thật sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư tư vấn
Khoản 10 điều 8 Luật Tố cáo năm 2018 nghiêm cấm hành vi cố ý tố cáo sai sự thật.
Theo điểm b khoản 1 điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), ai bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống.
Khung hình phạt thấp nhất đối với tội danh này là phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm.
Căn cứ các quy định trên, trường hợp tố cáo sai sự thật (không phải do lỗi cố ý) vì chưa nắm rõ thông tin về vấn đề tố cáo thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chỉ ai cố ý bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống.
Do đó, trước khi quyết định tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức nào đó, người tố cáo cần phải tìm hiểu kỹ thông tin; việc chưa nắm rõ dễ dẫn đến rủi ro pháp lý về sau.
Theo khoản 2 điều 9 Luật Tố cáo năm 2018, người tố cáo có các nghĩa vụ sau:
– Cung cấp thông tin cá nhân quy định.
– Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được.
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo.
– Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu.
– Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM