Người lao động bị sa thải có được hưởng các chế độ bảo hiểm của công ty không?
Theo quy định tại Bộ luật lao động 2012 thì hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:
– Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
– Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật;
– Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng, bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải được giải quyết các chế độ sau đây:
1. Trợ cấp thất nghiệp
Theo quy định tại Luật Việc làm 2013 thì người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;
– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm;
– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp;
xem nội dung chi tiết tại Điều 49 Luật Việc làm 2013
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì có thể xác định người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải nếu đáp ứng đủ các điều kiện thì sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
2. Nhận lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác
Theo quy định tại Điều 47 Bộ luật lao động 2012 thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trong thời hạn tối đa là 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động theo quyết định sa thải có hiệu lực thì công ty có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà công ty đã giữ lại của người lao động bị sa thải.
3. Được thanh toán bằng tiền những ngày phép năm chưa nghỉ
Theo quy định tại Điều 114 Bộ luật lao động 2012 thì người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ. Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp người lao động bị sa thải mà trước đó chưa nghỉ hàng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm thì được công ty thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ theo quy định của pháp luật.
4. Nhận bảo hiểm xã hội một lần
Theo quy định tại Nghị quyết 93/2015/QH13 thì người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của cảu pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp người lao động bị sa thải, mà sau một năm kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động theo quyết định sa thải có hiệu lực mà không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần nếu có yêu cầu.
-> Nếu bạn có nhu cầu tư vấn, giải đáp thắc mắc pháp luật, bạn vui lòng gọi 19001017 để đặt câu hỏi và trao đổi trực tiếp với luật sư, luật gia của chúng tôi.
-> Hãy nhấc điện thoại và gọi đến tổng đài tư vấn của chúng tôi để được giải đáp mọi vướng mắc về các vấn đề liên quan cho bạn.