Điều kiện để ký kết hợp đồng thương mại quốc tế (Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế)

Hợp đồng thương mại quốc tế là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ thương mại quốc tế. Hợp đồng thương mại quốc tế có rất nhiều loại, chẳng hạn như hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng cung ứng dịch vụ, hợp đồng chuyển giao công nghệ…Trong đó phổ biến nhất là hợp đồng mua bán hàng hóa. Pháp luật Việt Nam không quy định rõ về điều kiện kí kết hợp đồng thương mại quốc tế, nhưng thông qua Luật Thương mại Việt Nam 2005 và Bộ luật dân sự 2015, để kí kết hợp đồng thương mại quốc tế thì phải đáp ứng các điều kiện sau :

Mẫu hợp đồng giao khoán công việc năm 2020 chuẩn xác và mới nhất

(Ảnh minh họa)

Thứ nhất: Hình thức hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (khoản 2 Điều 27 Luật thượng mại 2005)Các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật (khoản 15 Điều 3 Luật thương mại 2005).

Thứ hai: Về chủ thể, một trong hai hoặc cả hai bên chủ thể trong hợp đồng là thương nhân nước ngoài. Điều 16 Luật Thương mại 2005 quy định về thương nhân nước ngoài :

“1. Thương nhân nước ngoài là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận.

2. Thương nhân nước ngoài được đặt Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam; thành lập tại Việt Nam doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo các hình thức do pháp luật Việt Nam quy định.

3. Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam.

4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thương nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì được coi là thương nhân Việt Nam.”.

 Thứ ba: Nội dung của hợp đồng phải tuân thủ nguồn luật điều chỉnh hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về nguồn luật điều chỉnh trong hợp đồng.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam tại Điều 398 BLDS 2015 quy định về nội dung của hợp đồng: 

“1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.

2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

a) Đối tượng của hợp đồng;

b) Số lượng, chất lượng;

c) Giá, phương thức thanh toán;

d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

g) Phương thức giải quyết tranh chấp.”.

Thứ tư: Đối tượng của hợp đồng là hàng hóa, dịch vụ không nằm trong Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu đính kèm Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.