Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Khi nói đến lừa đảo người ta nghĩ ngay đến sự dối trá của người phạm tội, nên đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối của người phạm tội. Tuy nhiên nếu chỉ có thủ đoạn gian dối nhưng không có ý định chiếm đoạt tài sản thì không phải là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với những dấu hiệu cấu thành của tội phạm này.

1. Về mặt khách quan: 

Về hành vi: Có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản

– Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động … (ví dụ: kẻ phạm tội nói là mượn xe đi chợ nhưng sau khi lấy được xe đem bán lấy tiền tiêu xài không trả xe cho chủ sở hữu) và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản

– Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối.

Như vậy, có thể phân biệt với những trường hợp dùng thủ đoạn gian dối khác, chẳng hạn dùng thủ đoạn cân, đong, đo đếm gian dối nhằm ăn gian, bớt của khách hàng hoặc để bán hàng giả để thu lợi bất chính thì không cấu thành tội này mà cấu thành tội lừa dối khách hàng hoặc tội buôn bán hàng giả.

Lưu ý: thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa gia tài sản cho kẻ phạm tội hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận.

– Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Nếu có hành vi gian dối mà không có hành vi chiếm đoạt (chỉ chiếm giữ hoặc sử dụng), thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép hoặc tội sử dụng trái phép tài sản, hoặc đó chỉ là quan hệ dân sự

– Trường hợp hành vi gian dối, hay hành vi chiếm đoạt cấu thành vào một tội danh độc lập khác, thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chí bị truy cứu những tội danh tương ứng đó. Ví dụ, như hành vi gian dối làm tem giả, vé giả, hành vi gian dối trong cân đong đo đếm, tình gian, đánh tráo hàng, hành vi lừa đảo chiếm đoạt chất ma tuý, hành vi buôn bán sản xuất hàng giả là lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; hành vi buôn bán sản xuất hàng giả là thức ăn chăn nuôi, phân bón thuốc thú y, bảo vệ thực vật, giống cây trồng vật nuôi thì đều có dấu hiệu gian dối.

Về giá trị tài sản chiếm đoạt: Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên. Nếu dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

2. Về mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý:

Tuy nhiên cần lưu ý:

Về mặt ý chí của người phạm tội lừa đảo bao giờ cũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước khi thực hiện hành vi lừa đảo, đây là điểm phân biệt cấu thành tội lạm dụng tín nhiếm chiếm đoạt tài sản. Vì trong một số trường hợp phạm tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì ý định chiếm đoạt tài sản phát sinh sau khi nhận tài sản thông qua một hình thức giao dịch nhất định.

Ý thức chiếm đoạt phải có trước thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. thủ đoạn gian dối bao giờ cũng phải có trước khi tiến hành giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội. Nếu sau khi có được tài sản hợp pháp mới phát sinh thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì không coi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tuỳ từng trường hợp cụ thể người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội danh tương ứng (như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản).

 Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

– Người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1,2 Điều 174 Bộ luật hình sự, vì 2 trường hợp này thuộc tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng. Mà theo quy định tại khoản 2 Điều 174 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

– Nếu người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật thì chỉ cần xác định người phạm tội đủ 14 tuổi là đã phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng nếu thuộc trường hợp tại khaorn 1, 2 của điều luật thì người phạm tội phải đủ 16 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Về mặt khách thể của tội phạm

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ xâm phạm đến quan hệ sỡ hữu mà không xâm phạm đến quan hệ nhân thân. Đây là đặc điểm để phân biệt với tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản.