Một số câu hỏi liên quan đến pháp luật dân sự về thừa kế
1. Thời điểm có hiệu lực của một di chúc theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của Điều 643 BLDS năm 2015 thì thời điểm có hiệu lực của di chúc được quy định như sau:
Điều 643. Hiệu lực của di chúc
1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
Như vậy theo quy định mới này thì di chúc sẽ có hiệu lực kể từ ngày người để lại di sản mất. Nếu một người để lại nhiều di chúc thì di chúc sau cùng sẽ là di chúc có hiệu lực pháp luật. Theo luật mới thì cũng đã bãi bỏ quy định về lập di chúc chung của hai vợ chồng như luật cũ, vì theo luật cũ nếu để di chúc chung của hai vợ chồng thì thời điểm có hiệu lực của di chúc không cùng với thời điểm mở thừa kế khi có người chết trước, chết sau. Vậy nên luật mới ra đời đã khắc phục được vẫn đề vướng mắc trong xác định thời điểm có hiệu lực của di chúc.
2. Di chúc miệng được đánh máy có hiệu lực pháp luật không?
Câu hỏi: Bố mẹ tôi có một mảnh đất 1200m2 đất và hiện muốn làm di chúc để chia mảnh đất cho 3 người con. Vì tuổi cao sức yếu, nên bố mẹ tôi có nhờ 2 người không họ hàng đến làm chứng và lập một di chúc. Vì tay yếu nên ông nhờ một trong hai người kia đánh máy trước mặt mấy người con và điểm chỉ vào di chúc, hai người làm chứng cũng kí xác nhận vào di chúc. Thưa luật sư di chúc của bố mẹ tôi lập như vậy có hợp pháp và có được công nhận không?
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Theo như thông tin của bạn thì bố bạn đang tiến hành lập một di chúc bằng văn bản và có sự tham gia của hai người làm chứng.
Theo quy đinh tại Điều 634 BLDS năm 2015 quy định về tính hợp pháp của di chúc bằng văn bản có người làm chứng như sau:
Điều 634. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng
Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật này.
Như vậy việc bố mẹ của bạn không thể viết nên nhờ người khác viết hộ di chúc thể hiện ý chí của mình là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật. Và những người làm chứng phải đảm bảo các điều kiện như sau: không phải là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; không phải là người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người làm chứng phải là người đủ 18 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Đồng thời nội dung của di chúc phải có các nội dung cơ bản theo quy định của Bộ luật dân sự (Điều 653).
Nếu hai người làm chứng cho di chúc của bố bạn đáp ứng được điều kiện trên và di chúc có đầy đủ các nội dung cơ bản thì di chúc trên của bố anh là di chúc hợp pháp và sẽ có hiệu lực pháp luật khi bố anh mất. Tài sản sẽ được chia theo như di chúc đã định đoạt.
3. Hiệu lực của di chúc chung giữa vợ và chồng được quy định như thế nào?
Câu hỏi: Chào luật sư em muốn hỏi, nhà em có 5 anh em, vào năm 2011 ba mẹ em có làm di chúc để lại căn nhà cho em và người em út của em. Lúc đó ba mẹ em đã làm một bản di chúc và đã được công chứng. Đến năm 2015 thì mẹ em mất, giờ ba em cũng già yếu rồi. Vậy luật sư cho em hỏi:
– Di chúc mà ba mẹ em để lại có hiệu lực khi nào?
– Thời điểm mở thừa kế là khi nào? có phải đợi đến khi cha em mất mới được phân chia di sản thừa kế hay không ?
– Theo như bản di chúc thì em và em út được hưởng toàn bộ di sản thừa kế vậy 3người con còn lại có quyền được hưởng di sản hay không?
Em xin cảm ơn !
Trả lời:
Thứ nhất: Về hiệu lực của di chúc: Theo quy định của BLDS năm 2015 đã không còn quy định về di chúc chung của hai vợ chồng, di chúc này được lập năm 2012 như vậy để giải quyết vấn đề này chúng ta cùng áp dụng quy định của luật cũ vào để giải quyết.
Điều 668 Bộ luật dân sự 2005 (luật cũ) quy định: “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết”.
Theo đó, di chúc mà cha, mẹ bạn để lại sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm cha bạn chết – tức là thời điểm người sau cùng chết.
Thứ hai: Thời điểm mở thừa kế được quy định tại Điều 633 Bộ luật Dân sự như sau:
“Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Toà án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này.”
Theo đó, trong trường hợp cha, mẹ lập di chúc chung mà có mẹ bạn chết trước thì vẫn có thể phân chia di sản mà mẹ bạn để lại nhưng chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản riêng của người chết hoặc tài sản chung không được định đoạt trong di chúc. Phần tài sản chung được định đoạt trong di chúc sẽ được phân chia từ thời điểm người sau cùng chết.
Thứ ba: Bạn và em bạn có được hưởng toàn bộ tài sản thừa kế theo di chúc của cha, mẹ bạn hay không ?
Về nguyên tắc, Việc lập di chúc là một hình thức thể hiện ý chí của người lập di chúc về việc định đoạt tài sản của mình trong việc chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng thừa kế. Pháp luật tôn trọng và bảo vệ ý chí mà người lập di chúc để lại thông qua di chúc. Theo đó, bạn và em của bạn sẽ được hưởng toàn bộ thừa kế nếu ba người con còn lại không thuộc trường hợp hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc theo quy định tại Điều 669 Bộ luật Dân sự.
“Điều 669. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.”
-> Nếu bạn có nhu cầu tư vấn, giải đáp thắc mắc pháp luật, bạn vui lòng gọi 19001017 để đặt câu hỏi và trao đổi trực tiếp với luật sư, luật gia của chúng tôi.
-> Hãy nhấc điện thoại và gọi đến tổng đài tư vấn của chúng tôi để được giải đáp mọi vướng mắc về các vấn đề liên quan cho bạn.