Đang đi ngoài đường bị chó cắn thì ai là người phải chịu trách nhiệm?

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định từ Điều 604 đến Điều 630 của BLDS, bao gồm: căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nguyên tắc bồi thường thiệt hại, năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường, xác định thiệt hại. Ngoài các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, BLDS còn quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong một số trường hợp cụ thể: bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra (Điều 625); bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra (Điều 626);bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra (Điều 627).Theo các quy định này, chủ sở hữu tài sản, người chiếm hữu tài sản hợp pháp để tài sản thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu của mình gây ra thiệt hại cho người khác phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Dựa trên các nguyên tắc chung về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và nguyên tắc bồi thường thiệt hại, đối với bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra thì về nguyên tắc, người chủ sở hữu súc vật gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại; tuy nhiên, Điều 625 BLDS quy định bồi thường thiệt hại đối với từng trường hợp cụ thể:

– Nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường. Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại;

– Nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại; Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường;

– Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

 

Khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cần phải thực hiện đúng nguyên tắc bồi thường thiệt hại. Cần phải tôn trọng thoả thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thoả thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần chú ý: Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ, có nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của BLDS quy định trong trường hợp cụ thể đó thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương xứng đó. Để thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời, Toà án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong thời hạn luật định. Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự. Người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện sau đây:

+ Do lỗi vô ý mà gây thiệt hại;

+ Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại, có nghĩa là thiệt hại xảy ra mà họ có trách nhiệm bồi thường so với hoàn cảnh kinh tế trước mắt của họ cũng như về lâu dài họ không thể có khả năng bồi thường được toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đó.

Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế, có nghĩa là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó hoặc do có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại…

Ngoài ra, còn phải xác định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Khi thực hiện quy định tại Điều 606 BLDS về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cần phải chú ý xác định đúng tư cách đương sự trong từng trường hợp; Bên cạnh đó, còn phải xác định mức chi phí hợp lý. Các khoản chi phí hợp lý quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều 609, các điểm b và c khoản 1 Điều 610 và điểm a khoản 1 Điều 611 BLDS là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại, phù hợp với giá trung bình ở từng địa phương tại thời điểm chi phí.